Máy sản xuất gạch không nung cao cấp thương hiệu Qunfeng Thành phẩm tại các dự án do VinTech cung cấp

Vĩnh Phúc: Tăng cường quản lý sử dụng gạch không nung

18/04/2017

Theo quy định của Bộ Xây dựng, bắt đầu từ năm 2013, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN). Nắm bắt được cơ hội đó, nhiều chủ cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất VLXKN. Tuy nhiên, do phần lớn các cơ sở sản xuất VLXKN trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ nên trong khâu sản xuất, lưu thông sản phẩm bắt đầu bộc lộ một số hạn chế.

Quy trình sản xuất VLXKN tại Công ty Xây dựng Vĩnh Lạc, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung”, hơn 4 năm qua, tỉnh ta đã tập trung công tác xóa bỏ lò gạch thủ công; khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh VLXKN. Nắm bắt được xu hướng phát triển đó, nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất VLXKN. Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất VLXKN có công suất từ 7 - 70 triệu viên/năm; có dây chuyền thiết bị sản xuất chế tạo theo công nghệ của Đức. Trong đó, có 2 cơ sở có sản phẩm cung cấp cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, các cơ sở khác đang trong quá trình lắp đặt thiết bị hoặc chạy thử. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có hàng trăm cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phát triển tự phát; sản xuất theo phương pháp thủ công kết hợp với bán cơ giới, có sản lượng dưới 1 triệu viên/năm; chưa được các cơ quan chức năng đánh giá, kiểm định chất lượng và xác định tiêu chuẩn cơ sở.

Tuy nhiên, theo quy định, trước khi đi vào hoạt động, các đơn vị sản xuất VLXKN phải xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và công bố chất lượng hợp quy, hợp chuẩn mới được đưa sản phẩm vào lưu thông và cung ứng cho các công trình xây dựng. Nhưng do thị trường VLXKN đang trong giai đoạn đầu phát triển nên hầu hết chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh VLXKN chưa nắm được những quy định liên quan đến công tác quản lý chất lượng và nguồn gốc hàng hóa. Vì vậy, hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có 1 cơ sở công bố sản phẩm hợp quy, hợp chuẩn theo quy định và 2 cơ sở đang làm thủ tục công bố sản phẩm hợp quy, hợp chuẩn. Thêm vào đó, do kích thước, mẫu mã của các loại VLXKN tương đối giống nhau nên người tiêu dùng rất khó phân biệt được chất lượng. Từ đó, rất dễ nảy sinh một số bất cập, ảnh hưởng đến độ bền, an toàn của công trình và sự phát triển bền vững của ngành sản xuất VLXKN.

Ông Vũ Văn Định, Giám đốc Công ty Xây dựng Vĩnh Lạc - đơn vị duy nhất sản xuất VLXKN đã công bố chất lượng sản phẩm hợp quy, hợp chuẩn cho biết: “Công nghệ làm VLXKN có rất nhiều loại. Hiện, công ty chúng tôi sử dụng dây chuyền QT10-15 thương hiệu VinTech với công nghệ tiên tiến kết hợp vừa ép, vừa rung thì sản phẩm làm ra sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn do Nhà nước quy định và đủ điều kiện để xây dựng những công trình kiên cố, cao tầng như chung cư, trung tâm thương mại, trường học...Ngược lại, đối với những cơ sở có quy mô nhỏ, sản xuất thủ công thì sản phẩm làm ra chỉ dùng để xây dựng các hạng mục công trình đơn giản. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp vẫn bán sản phẩm thông qua tiếp thị trực tiếp đến khách hàng, chưa xây dựng được thương hiệu và logo riêng nên tính cạnh tranh chưa cao, sản phẩm dễ bị làm nhái, lợi dụng để trà trộn đưa vào tiêu thụ tại các công trình xây dựng”.

Trước thực trạng đó, Sở Xây dựng triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh VLXKN đi vào nền nếp. Trong đó, sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh VLXKN và người dân biết về ưu, nhược điểm và những quy định của pháp luật trong việc sản xuất và sử dụng VLXKN; giảm giá thuê mặt bằng, hỗ trợ về vốn và chuyển giao công nghệ để khuyến khích các cơ sở, hộ tư nhân đầu tư dây chuyền sản xuất VLXKN đạt chuẩn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để từng bước hướng các cơ sở sản xuất VLXKN thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất và lưu thông trên thị trường; đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng các công trình sử dụng nguồn vốn Nhà nước định kỳ hoặc đột xuất để hạn chế và loại bỏ việc đưa VLXKN không đảm bảo chất lượng vào các công trình xây dựng.

Đồng chí Nguyễn Viết Quang, Phó Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh cho biết: “Thời gian tới, sở sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường; UBND các huyện, thành, thị quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng VLXKN; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước khi đầu tư sản xuất VLXKN đạt chuẩn; đồng thời, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng của các công trình, hạn chế thấp nhất những sản phẩm VLXKN kém chất lượng lưu thông trên thị trường, các chủ đầu tư, đơn vị giám sát phải kiểm soát chặt chẽ "đầu vào" của VLXKN trong các công trình xây dựng và thực hiện đầy đủ các thí nghiệm về chất lượng”.